09/08/2024
Nghiên cứu cho thấy thiền và mindfulness có liên quan đến tính ái kỷ và lòng tự tôn tâm linh
Kaiyo is here for security – Uncle Ho’s Lenin
MỞ ĐẦU
Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, các hình thức khai ngộ tâm linh có thể ‘thúc đẩy cảm giác tự tôn’ bằng cách dung dưỡng bản ngã của người thực hành.
Các chuyên gia người Hà Lan đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc thực hành rèn luyện tâm linh, ví dụ như thiền, và lòng tự tôn tâm linh (spiritual superiority) khi phân tích bảng khảo sát của gần 4.000 người.
Họ phát hiện ra rằng, những người theo đuổi các liệu pháp ‘năng lượng’ có tính huyền bí hơn, chẳng hạn như đọc hào quang, là những người tự mãn nhất.
RÈN LUYỆN TÂM LINH & THÔI THÚC ĐỀ CAO BẢN THÂN
Các hình thức rèn luyện tâm linh – bao gồm mindfulness, thiền, tự chữa lành và đọc hào quang – đúng ra là được kỳ vọng để giúp con người vượt ra khỏi bản ngã cũng như sự dính chấp vào giá trị bản thân.
Tuy nhiên, rèn luyện tâm linh lại cho thấy thực chất vẫn có thể có tác động trái ngược, bằng cách thúc đẩy nhu cầu muốn được cảm thấy ‘thành công hơn, được tôn trọng hơn, hoặc được yêu thương hơn’ của người thực hành – theo các chuyên gia.
Các tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Radboud (Nijmegen, Hà Lan) cho biết, ‘Việc rèn luyện tâm linh vốn dĩ là hướng đến buông bỏ tính đề cao bản thân, nhưng đồng thời cũng chính nó hàm chứa tác tác động có tính nghịch lý là thúc đẩy tính tự tôn ở một người
Như vậy, nó có thể vận hành tương tự như các công cụ giúp đề cao bản thân khác và từ đó góp phần tạo nên một giá trị bản thân phù phiếm gắn chặt vào thành tựu tâm linh của cá nhân.
Trong khi đó thôi thúc đề cao bản thân là dạng thôi thúc vô cùng mạnh mẽ và bám rễ rất sâu trong tâm thức mỗi người đến nỗi thôi thúc này hoàn toàn có thể âm thầm chi phối các phương pháp rèn luyện tâm linh – vốn hướng tới chuyển hóa bản ngã – trở thành phương tiện để dung dưỡng bản ngã’.
RÈN LUYỆN TÂM LINH & LÒNG TỰ TÔN
Theo giáo sư Roos Vonk, tác giả chính của nghiên cứu, việc thực hành tâm linh được nhận thấy là có mối liên hệ, nhưng không có tính nhân quả (dựa theo kết quả nghiên cứu), với cảm giác tự tôn.
‘Chúng tôi đồng thời ghi nhận được tính tự tôn tâm linh ở cả hai nhóm gồm những người luyện tập mindfulness và những người luyện tập liệu pháp năng lượng, tuy nhiên nhóm những người luyện tập liệu pháp năng lượng cho thấy có tính tự tôn tâm linh cao hơn hẳn, trong khi ở nhóm những người luyện tập mindfulness thì chúng tôi chưa thể nói chắc điều gì’, bà nói.
‘Về lý thuyết, thông qua rèn luyện tâm linh, chúng ta sẽ trở thành những người thông tuệ, có thể vượt lên trên lợi ích cá nhân, cảm thấy kết nối với người khác và không còn phán xét, nhưng trong thực tế, việc rèn luyện tâm linh lại thường tác động đến chúng ta theo chiều hướng khác hẳn.
Những người tự tập các hình thức chẳng hạn như chữa lành, đọc hào quang và luân xa, thường nhận ra rằng họ có khả năng tâm linh phi thường cho phép họ “nhìn thấy” những điều người khác không thấy được. Điều này khiến họ cảm thấy rằng mình rất đặc biệt.’
Theo nhóm nghiên cứu, điều cốt yếu của việc phát triển về mặt ‘tâm linh’ là cá nhân nỗ lực để ‘vượt ra khỏi việc lấy bản thân mình là trung tâm’, mở rộng tầm nhìn vượt khỏi bản ngã.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc rèn luyện tâm linh lại có thể ‘gợi lên những thôi thúc và phản ứng tâm lý không có tính giải thoát cho người thực hành’.
THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành ba nghiên cứu để đo lường điều mà họ gọi là tính tự tôn tâm linh (cảm giác vượt trội hơn những cá nhân thiếu ‘trí tuệ tâm linh mà họ tự gán cho chính mình’).
Họ đã tiến hành ba cuộc khảo sát, cuộc khảo sát thứ nhất có 533 người tham gia, cuộc khảo sát thứ hai có 2,223 người tham gia và cuộc khảo sát thứ ba có 965 người tham gia.
Các bảng hỏi yêu cầu người tham gia trả lời trên thang điểm từ 1 đến 7 cho một loạt các nhận định để kiểm tra ‘cảm giác tự tôn tâm linh’ của họ.
Một số nhận định như là: ‘Tôi có cảm giác kết nối với các giác quan của mình nhiều hơn hầu hết những người khác,’, ‘Tôi có thể nhìn thấu những gì nằm ngoài tầm mắt của người bình thường, tôi thấu hiểu những quy luật của trời đất,’ và ‘thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu những người khác cũng có được những hiểu biết sâu sắc mà tôi đang có lúc này.’
Các tác giả cũng xây dựng những thang đo mà họ dự đoán sẽ có tương quan với cảm giác tự tôn tâm linh.
Ví dụ, thang đo ‘dẫn dắt tâm linh’ (spiritual guidance) ghi nhận các khía cạnh của lòng tự tôn tâm linh, chẳng hạn như: nói về những hiểu biết sâu sắc của bản thân, cố gắng giúp người khác có được sự thông tuệ như mình và khao khát trở thành một huấn luyện viên hoặc đạo sư tâm linh.
Thang đo này bao gồm các nhận định như ‘Tôi giúp đỡ người khác ngay khi có thể trên hành trình hướng đến sự thông tuệ và hiểu biết sâu sắc hơn của chính họ’ và ‘Tôi kiên nhẫn với người khác bởi vì tôi hiểu rằng họ cần thêm thời gian để đạt được những hiểu biết sâu sắc mà tôi đã có được trong đời sống và tiến trình rèn luyện của mình’.
Một thang đo khác là ‘tính tự cao siêu nhiên’ (supernatural overconfidence), đánh giá niềm tin vào ‘sức mạnh huyền bí của bản thân’ và bao gồm một số nhận định rất xa vời.
Ví dụ: ‘Tôi có thể gửi năng lượng tích cực đến người khác từ xa,’ ‘Tôi có thể liên lạc với người đã khuất,’ ‘Tôi có thể tác động đến thế giới xung quanh bằng suy nghĩ của mình’ và ‘Khi tôi ngẫu nhiên mở một quyển sách và nhìn thấy số trang là con số có ý nghĩa với tôi, thì đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên’.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét một số hình thức rèn luyện tâm linh, chẳng hạn như thiền, đọc/chữa bệnh bằng hào quang, liệu pháp xúc giác (haptotherapy) và reiki (một phương pháp trị liệu sử dụng năng lượng vũ trụ để chữa lành cho con người – ND)
Liệu pháp năng lượng thường bao gồm các kỹ năng được phân loại là huyền bí (paranormal), chẳng hạn như đọc hào quang và hồi quy tiền kiếp.
Những người tham gia đã hoàn thành các bảng hỏi và trả lời các câu hỏi về tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, tôn giáo và quá trình rèn luyện tâm linh của họ.
Một số người trong nhóm 3.700 người tham gia chưa từng trải qua bất kỳ hình thức rèn luyện tâm linh nào.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia vào các hình thức thiền đạt điểm cao hơn trong bảng hỏi so với những người không rèn luyện tâm linh.
Cụ thể, có sự tăng dần về ‘cảm giác tự tôn tâm linh’ từ những người không rèn luyện tâm linh, đến những người tham gia ‘luyện tập mindfulness và những người tham gia liệu pháp năng lượng.’
Những người tin rằng họ đã được dạy cách nhìn thấy hào quang và hồi quy tiền kiếp (các loại liệu pháp năng lượng) là những người tự mãn nhất về mặt tâm linh.
Những người tham gia liệu pháp năng lượng có điểm cao hơn khoảng 67% so với những người không rèn luyện tâm linh, trong khi những người đã trải qua các buổi mindfulness có điểm cao hơn khoảng 50% so với những người không rèn luyện tâm linh.
THAY LỜI KẾT
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ‘Mọi người có thể mong muốn trở nên thành công hơn, được tôn trọng hơn hoặc được yêu mến hơn chính vì sự phát triển tâm linh của họ.
Ngay cả khi đây không phải là động cơ ban đầu của họ, họ vẫn có thể va phải những cám dỗ này trong quá trình thực hành.
Họ có thể có được cảm giác phấn khích, hoặc thông tuệ, sự thanh thản, và rồi ôm chặt hệ tư tưởng đã mang lại cho họ niềm hoan hỷ này, từ đó trở nên ít cởi mở hơn với các trường phái tư tưởng khác.
Tóm lại, con đường dẫn đến sự giác ngộ tâm linh vẫn có thể mang lại chính xác những sự bóp méo trần tục vốn đã quá quen thuộc trong tâm lý học xã hội, chẳng hạn như sự tự đề cao, ảo tưởng vượt trội, tư duy khép kín và chủ nghĩa khoái lạc (bám víu vào những trải nghiệm tích cực) dưới vỏ bọc của những giá trị được cho là “cao hơn”’.
Nghiên cứu này được truyền cảm hứng từ những hiểu biết sâu sắc của ngành tâm lý học xã hội và công trình của Đức Chögyam Trungpa (1939-1987), một thiền sư Phật giáo Tây Tạng.
Theo Ngài Trungpa, ‘Có rất nhiều lối rẽ dẫn đến một kiểu tâm trí méo mó, lấy bản ngã làm trung tâm.
Chúng ta có thể tự lừa dối mình khi nghĩ rằng chúng ta đang phát triển về mặt tâm linh trong khi thực chất chúng ta đang củng cố tính duy kỷ (tập trung vào bản thân và không thể tưởng tượng ra bất kỳ góc nhìn của ai khác trừ bản thân họ – BT) thông qua các phương pháp tâm linh,’ ông nói.
Tác giả: Jonathan Chadwick
Biên dịch: Đào Thị Nguyên Hoàng – Thạc sĩ Tâm lý học
Biên tập:
Hồ Tâm Đan – Thạc sĩ Tâm lý học & Chuyên viên tâm lý trị liệu
Nguyễn Phước Cát Phượng – Thạc sĩ khoa học Tâm lý học
Lê Thị Ánh Mai – Biên tập viên AGATE
Bình luận (0)